Nội chiến Diêm Tích Sơn

Diêm Tích Sơn năm 1947

Chiến dịch Thượng Đảng

Chiến dịch Thượng Đảng là trận chiến đầu tiên giữa các lực lượng Cộng sản và Quốc dân sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Trận chiến là một nỗ lực của Diêm Tích Sơn (Tưởng Giới Thạch ủy quyền) nhằm tái khẳng định quyền kiểm soát đối với miền nam Sơn Tây, nơi Giải phóng quân được cho là đặc biệt tích cực. Trong cùng năm đó, cựu tướng của Diêm Tích Sơn là Phó Tác Nghĩa chiếm được một số thành thị quan trọng tại Nội Mông: Bao ĐầuHohhot. Nếu cả Diêm Tích Sơn và Phó Tác Nghĩa giành được thắng lợi, họ sẽ cắt đứt đường nối giữa tổng hành dinh của Cộng sản tại Diên An và quân đội của họ tại Đông Bắc. Chỉ huy Giải phóng quân tại địa phương là Lưu Bá Thừa quyết định lệnh cho lực lượng của mình chống Diêm Tích Sơn nhằm ngăn chặn điều này xảy ra. Chính trị viên của Lưu Bá Thừa là Đặng Tiểu Bình, người này về sau trở thành lãnh đạo tối cao của Trung Quốc.[69]

Những cuộc giao tranh ban đầu trong chiến dịch diễn ra vào ngày 19 tháng 8 năm 1945, khi Diêm Tích Sơn phái 16.000 quân dưới quyền Sử Trạch Ba đi chiếm thành phố Trường Trị tại miền đông nam Sơn Tây. Ngày 1 tháng 9, Lưu Bá Thừa đến với 31.000 quân và bao vây Trường Trị. Quân của Lưu Bá Thừa chiếm được khu vực xung quanh Trường Trị, song không thể chiếm được thành phố, dẫn đến tình thế bế tắc.[69] Sau đó, Diêm Tích Sơn phái thêm 20.000 quân dưới quyền chỉ huy của Bành Dục Bân đi tiếp viện cho Sử Trạch Ba và phá vây. Đáp lại, Lưu Bá Thừa tập trung lực lượng chống Bành Dục Bân, chỉ để lại một lực lượng tại Trường Trị.[69] Bành Dục Dân ban đầu giành được thắng lợi, song cuối cùng quân của ông rợi vào phục kích. Bành Dục Vân tử chiến, và quân đội của ông nhanh chóng đầu hàng hàng loạt. Sử Trạch Ba nhận thấy mình không có hy vọng được cứu viện, do vậy cố gắng đột vây và chạy đến Thái Nguyên, song bị phục kích và buộc phải đầu hàng vào ngày 10 tháng 10.[70]

Dù hai bên đều chịu tổn thất tương đương về thương vong, song lực lượng Cộng sản có thể bắt được 31.000 quân của Diêm Tích Sơn. Sau khi đầu hàng, hầu hết quân của Diêm Tích Sơn bị thuyết phục có tổ chức hoặc bị cưỡng ép và cuối cùng gia nhập lực lượng Cộng sản.[71] Chiến dịch Thượng Đảng kết thúc bằng việc lực lượng Cộng sản kiểm soát vững chắc miền nam Sơn Tây. Do quân đội dã chiến của Diêm Tích Sơn được tiếp tế và vũ trang tốt hơn nhiều, chiến thắng này cho phép Giải phóng quân địa phương thu được thêm rất nhiều vũ khí so với họ có trước đó. Người ta cho rằng chiến thắng của Giải phóng quân trong Chiến dịch Thượng Đảng thay đổi chiều hướng hòa đàm Trùng Khánh đang diễn ra, cho phép Mao Trạch Đông hành động với tư thế đàm phán mạnh hơn. Chiến thắng của Giải phóng quân trong Chiến dịch Thượng Đảng làm tăng uy tín lâu dài của cả Lưu Bá Thừa và Đặng Tiểu Bình.[72] Sau chiến dịch, Lưu Bá Thừa để lại một lực lượng nhỏ để phòng thủ miền nam Sơn Tây, đưa hầu hết các đơn vị tinh nhuệ nhất của ông cùng các thiết bị thu được đi đương đầu với Tôn Liên Trọng trong Chiến dịch Bình Hán.[73]

Năm 1946, lực lượng Cộng sản tại Tây Bắc xác định việc chiếm Thái Nguyên là một trong các mục tiêu chính của họ, và trong suốt năm 1946 và 1947 Diêm Tích Sơn liên tục tham dự các nỗ lực nhằm phòng thủ miền bắc và tái chiếm miền nam Sơn Tây.[74] Những nỗ lực này chỉ tạm thành công, và đến mùa đông năm 1947 thì quyền kiểm soát của Diêm Tích Sơn đối với Sơn Tây bị hạn chế trong khu vực miền bắc lân cận Thái Nguyên. Diêm Tích Sơn quan sát thấy rằng lực lượng Cộng sản phát triển mạnh hơn, và dự đoán rằng trong vòng sáu tháng họ sẽ thống trị một nửa Trung Quốc. Sau khi để mất miền nam Sơn Tây, Diêm Tích Sơn tiến hành chuẩn bị tử thủ Thái Nguyên, có lẽ với hy vọng rằng nếu ông và các lãnh đạo chống Cộng khác có thể cầm cự đủ lâu thì Hoa Kỳ cuối cùng sẽ tham chiếm cạnh họ, cứu lực lượng của ông khỏi bị tiêu diệt.[75]

Chiến dịch Thái Nguyên

Trong khi Thái Nguyên bị bao vây, Diêm Tích Sơn nói với các ký giả ngoại quốc rằng ông cùng những người đi theo sẽ nuốt các viên xyanua trước khi họ để cho Giải phóng quân chiếm Sơn Tây.

Đến năm 1948, lực lượng của Diêm Tích Sơn chịu các thất bại quân sự liên tiếp trước Giải phóng quân, mất quyền kiểm soát miền nam và miền trung Sơn Tây, và bao quanh đều là lãnh thổ do Cộng sản kiểm soát. Dự đoán về một cuộc tiến công vào miền bắc Sơn Tây, Diêm Tích Sơn cho gia cố hơn 5.000 boongke, xây dựng trên địa hình tự nhiên gồ ghề quanh Thái Nguyên. Quân đoàn 30 của Quốc quân được không vận từ Tây An đến Thái Nguyên để củng cố phòng thủ thành phố. Trong giai đoạn này, Diêm Tích Sơn nhiều lần tuyên bố ý định tử thủ Thái Nguyên. Tổng số binh sĩ Quốc dân hiện diện tại miền bắc Sơn Tây đến mùa thu năm 1948 là 145.000. Nhằm vượt qua hệ thống phòng thủ này, chỉ huy Giải phóng quân là Từ Hướng Tiền phát triển một chiến lược giao chiến tại các vị trí bên ngoài trước khi bao vây thành phố. Những chiến sự đầu tiên trong Chiến dịch Thái Nguyên diễn ra vào ngày 5 tháng 10 năm 1948.

Đến ngày 13 tháng 11 năm 1948, Giải phóng quân thành công trong việc chiếm khu vực quanh phía đông của Thái Nguyên. Lực lượng Quốc dân chịu thất bại nghiêm trọng khi toàn bộ các sư đoàn đào ngũ hoặc đầu hàng. Một lần, một sư đoàn Quốc quân dưới quyền chỉ huy của Đới Bỉnh Nam trá hàng, rồi bắt giữ các sĩ quan Giải phóng quân đến trại để tiếp nhận đầu hàng. Diêm Tích Sơn lầm tưởng thủ lĩnh của nhóm bị bắt là lãnh đạo cao cấp của Giải phóng quan Hồ Diệu Bang, sau đó không vận nhóm này đến cho Tưởng Giới Thạch.

Sau những đại thắng tại Hà Bắc vào cuối tháng 1 năm 1949, Giải phóng quân tại Sơn Tây được tăng cường với các binh sĩ và pháo. Sau đó, tổng quân số dưới quyền Lưu Bá Thừa vượt quá 320.000, trong đó 220.000 là quân dự bị. Đến cuối năm 1948, Diêm Tích Sơn đã để mất trên 40.000 binh sĩ, song đã nỗ lực để bổ sung số lượng thông qua thực hiện chế độ quân dịch trên quy mô lớn.

Bản thân Diêm Tích Sơn (cùng với hầu hết ngân quỹ của tỉnh) được không vận khỏi Thái Nguyên trong tháng 3 năm 1949 nhằm mục đích yêu cầu chính phủ trung ương tiếp tế thêm. Diêm Tích Sơn để lại Tôn Sở làm tư lệnh lực lượng quân cảnh, để con rể là Vương Tĩnh Quốc phụ trách hầu hết lực lượng Quốc dân trong tỉnh. Quyền tổng chỉ huy được giao cho Imamura Hosaku, trung tướng Nhật Bản gia nhập quân đội của Diêm Tích Sơn sau Chiến tranh thế giới thứ hai.[76]

Ngay sau khi Diêm Tích Sơn được không vận khỏi Thái Nguyên, các phi cơ của Quốc dân đảng ngưng thả thực phẩm và vật tư cho những người phòng thủ do lo sợ bị Giải phóng quân bắn hạ.[76] Ngày 22 tháng 4, Chiến dịch Thái Nguyên kết thúc với kết quả lực lượng Cộng sản kiểm soát toàn bộ Sơn Tây. Tổng số thương vong của lực lượng Quốc dân được tính là 145.000, nhiều người trong số đó sống sót với thân phận tù binh chiến tranh.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Diêm Tích Sơn http://books.google.ca/books?id=ib-sEZzxkb4C&pg=PA... http://books.google.ca/books?id=rfu-hR8msh4C&pg=PA... http://books.google.ca/books?id=rsLQdBUgyMUC&print... http://www.time.com/time/covers/0,16641,19300519,0... http://www.time.com/time/magazine/article/0,9171,7... http://www.time.com/time/magazine/article/0,9171,9... http://tw.myblog.yahoo.com/lulu-lisa/article?mid=1... http://aleph.nkp.cz/F/?func=find-c&local_base=aut&... http://catalogue.bnf.fr/ark:/12148/cb162350005 http://data.bnf.fr/ark:/12148/cb162350005